Mức độ ủng hộ của người tiêu dùng đối với người nông dân tăng vọt trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Một nghiên cứu phát hiện thấy có sự mong muốn sử dụng công nghệ ở trang trại và trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm như một giải pháp để vượt qua các thách thức đối với ngành chăn nuôi.

Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng phần lớn người tiêu dùng sẵn sàng hỗ trợ người nông dân để ủng hộ cho những nỗ lực của họ nhằm đem thực phẩm đến bàn ăn trên toàn cầu. Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ ràng hơn về những thách thức và kỳ vọng đối với người nông dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19, khi hoạt động chế biến và vận chuyển rơi vào cảnh ùn tắc, đặc biệt trong ngành sản xuất đạm, gây áp lực lên nguồn cung thực phẩm trên toàn cầu. Trong cuộc khảo sát mới nhất mang tên gọi Feed4Thought, phát hiện thấy gần một phần ba người tiêu dùng ở Mỹ, Brazil, Việt Nam và Na Uy đã có những đánh giá mới về ngành chăn nuôi.

HacoFarm Agriculture Covid 19

 

“Người nông dân và chủ trang trại đã phải đối mặt với áp lực to lớn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng vì COVID-19. Đây là những áp lực mới, chồng chất trên vô vàn thách thức mà người nông dân vốn đã phải đối mặt khi họ làm việc để cung cấp thực phẩm cho thế giới theo một phương thức an toàn, có trách nhiệm và bền vững”, David Webster, Lãnh đạo doanh nghiệp Dinh dưỡng & Sức khỏe Vật nuôi Cargill, phát biểu. “Khi người tiêu dùng bắt gặp những kệ hàng siêu thị trống trơn, họ sẽ nghĩ nhiều hơn về vai trò thiết yếu của người chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy hải sản trong việc đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu”.

Cargill nhận thấy 71% người tiêu dùng bày tỏ lo ngại đại dịch sẽ phá vỡ hệ thống lương thực và 2/3 người tiêu dùng thừa nhận áp lực gia tăng đối với người chăn nuôi trong việc cung cấp nguồn đạm an toàn, có giá cả phải chăng kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu.

Tuy nhiên, những thách thức mới này không làm giảm lòng tin của người tiêu dùng đối với người nông dân: đa số người tiêu dùng (84%) cho biết rằng họ có niềm tin chung rằng người nông dân sẽ đáp ứng được nhu cầu và cung cấp thực phẩm cho bộ phận dân số ngày càng gia tăng. Hơn một nửa số người tiêu dùng cho biết là họ có suy nghĩ tích cực/đánh giá cao hơn đối với người nông dân, với một phần ba nói rằng nhận thức của họ đã cải thiện so với trước đại dịch. Sự tin tưởng cùng với đánh giá ngày càng cao về vai trò của người nông dân cho thấy COVID-19 có thể đóng vai trò là chất xúc tác trong việc tăng cường mối quan hệ giữa người tiêu dùng và người nông dân.   

Cùng với đó, người tiêu dùng ngày càng nhận ra vai trò và trách nhiệm của người nông dân. Ngoài vai trò quan trọng là cung cấp thức ăn cho thế giới, người tiêu dùng còn coi nông dân là người quản lý tài nguyên thiên nhiên của trái đất (47%), chuyên gia chăm sóc động vật (42%), người hiểu biết về công nghệ (21%) và doanh nhân chuyên nghiệp (20%).

Webster cho biết thêm: “Người nông dân đóng nhiều vai trò khác nhau trong công việc hàng ngày của họ. Họ làm việc để giữ cho động vật khỏe mạnh và không có dịch bệnh, bảo vệ tài nguyên của trái đất và quản lý cơ sở chăn nuôi của mình một cách bền vững, tạo công ăn việc làm và điều hành công việc kinh doanh có lợi nhuận”.

Nghiên cứu cho thấy những người được hỏi tin rằng công nghệ có thể giúp nông dân giải quyết những thách thức mà họ phải đối mặt. Trong số những người được khảo sát, 29% muốn thấy người nông dân ưu tiên áp dụng các công nghệ cải thiện sức khỏe và đời sống vật nuôi, trong khi 28% muốn thấy công nghệ cải thiện mức độ an toàn thực phẩm nói chung.

Công nghệ và những đổi mới tiếp tục giúp người nông dân vượt qua thách thức.

Công nghệ rà quét theo thời gian thực trong chuồng gia cầm sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học, mang đến cho nông dân thông tin chi tiết để tối đa hóa sự thoải mái, sức khỏe và nâng cao năng suất vật nuôi.

Các công ty như Cainthus đang đầu tư vào công nghệ thị giác máy tính . Khi người nông dân có quyền truy cập vào dữ liệu thời gian thực, họ có thể đưa ra các quyết định sáng suốt hơn nhằm cải thiện dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe và sự thoải mái của vật nuôi, và cuối cùng là tăng sản lượng sữa. Những công nghệ này cũng có thể giảm bớt tác động môi trường từ việc canh tác nuôi trồng, làm cho hoạt động này trở nên bền vững hơn.

Hãng đứng đầu về công nghệ cho heo, Agriness, đã kết hợp việc quản lý dữ liệu và chuyên môn sâu về dinh dưỡng và chăn nuôi để cải thiện khả năng dự báo về năng suất và tăng cường áp dụng các  biện pháp thực hành tốt nhất về quản lý trang trại.

Công nghệ EWOS SalmoNIR di động mới của Cargill sử dụng quang phổ hồng ngoại gần để cung cấp cho người nuôi cá hồi dữ liệu thời gian thực về hàm lượng chất béo, sắc tố, omega-3 và các thông số quan trọng khác, giúp họ đưa ra quyết định quản lý trang trại và dinh dưỡng tốt hơn, nhanh hơn.

Ông Webster tiếp tục chia sẻ: “Những công nghệ này đã và đang tạo ra tác động đến tính bền vững của trang trại, lợi nhuận trong kinh doanh và sức khỏe vật nuôi và chúng tôi đang đổi mới nhanh chóng, dự đoán nhu cầu ở tất cả các thị trường để đảm bảo mang lại sự thịnh vượng cho người nông dân”.

Nghiên cứu cũng phát hiện rằng nhu cầu về công nghệ của người tiêu dùng có sự khác nhau ở các thị trường. Ở Việt Nam, người tiêu dùng cho thấy họ có yêu cầu về công nghệ cao nhất, với 36% số người được hỏi mong muốn nông dân có hiểu biết về công nghệ. Hoa Kỳ cũng cũng cho thấy có sự kết nối ngày càng gia tăng giữa nông dân và công nghệ, đặc biệt ở thế hệ trẻ, họ có mong muốn công nghệ cao hơn giúp cải thiện sức khỏe và điều kiện vật nuôi.

Gần một phần tư người Mỹ trẻ (Thế hệ Z, có độ tuổi từ 18 – 23) tìm kiếm nguồn thực phẩm từ các trang trại sử dụng công nghệ mới nhất, cao hơn đáng kể so với những người lớn tuổi hơn, đặc biệt là so với thế hệ Baby Boomers (thế hệ X). Ở Brazil, các trang trại sử dụng công nghệ mới nhất để nâng cao hiệu quả, tính bền vững và/hoặc điều kiện vật nuôi là nguồn cung cấp thực phẩm được ưa thích nhất (25%).

Ông Webster nhận định: “Nông nghiệp luôn là một ngành công nghệ. Nhưng khi sự ủng hộ của người tiêu dùng đối với nông dân tiếp tục tăng, chúng tôi nhận thấy cơ hội tạo ra một cuộc đối thoại hữu ích nhằm đem lại tầm nhìn tốt hơn đối với công tác đổi mới sáng tạo đang diễn ra trong ngành nông nghiệp hiện đại và đề cao vai trò quan trọng của công nghệ trong tương lai thực phẩm của thế giới”.

Bài trước